[ CÁCH VIẾT MỞ BÀI TRONG IELTS WRITING TASK 2] 

Mở bài là phần đầu tiên của bài luận trong phần thi IELTS writing Task 2, tuy ngắn nhưng nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gợi mở nội dung cũng như dẫn dắt người đọc đến các phần tiếp theo. Vì thế, một bài luận có bước khởi đầu tốt sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người chấm. Tuy nhiên, dù tưởng chừng viết mở bài là đơn giản nhưng thí sinh cũng gặp vô số khó khăn trong việc triển khai ý mở đầu, sử dụng văn phong như thế nào. Bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ phương pháp viết mở bài và tận dụng nó một cách hiệu quả để ghi điểm trong phần thi này.

Cách viết mở bài trong IELTS Writing Task 2 hiệu quả

Bước 1: Phân tích đề bài 

Một trong những lỗi thí sinh thường gặp phải đó là dành quá nhiều thời gian vào mở bài, viết lan man, không cần thiết. Điều này thường xuất phát từ việc thí sinh chưa nắm được vấn đề đề bài đang nói tới. Vì thế, đọc hiểu và phân tích đề bài là bước đầu tiên vô cùng quan trọng để giúp thí sinh dần hình thành ý tưởng triển khai không chỉ cho mở bài mà còn cho cả toàn bài viết. 

Đề thi thường có 2 phần:

  • Phần 1: Giới thiệu chủ đề đề bài muốn nói tới
  • Phần 2: Nêu ra yêu cầu 

Phần 1 sẽ giới thiệu tổng quan và cung cấp bối cảnh chung về vấn đề cần giải quyết, thường là nguyên nhân, hậu quả hoặc các ý kiến trái chiều của vấn đề. Còn phần 2 sẽ là đề bài yêu cầu thí sinh đưa ra ý kiến, quan điểm như thế nào: đồng tình, không đồng tình hay bàn luận, mở rộng thêm.  

Bước 2: Giới thiệu chủ đề

Sau khi đã phân tích đề thi, hiểu đề và nắm rõ nhiệm vụ cần làm, thí sinh sẽ bắt đầu tiến hành viết mở bài. 

Như đã được giới thiệu ở phía trên về cấu trúc mở bài, phần đầu tiên đó là giới thiệu chủ đề. Phần này thường giới thiệu chung, sơ qua vấn đề cần đề cập và thí sinh sẽ chủ yếu dùng phần 1 của đề bài để diễn đạt lại. Nhưng thay vì lặp lại từ hay cụm từ trong đề bài, thì thí sinh có thể cân nhắc sử dụng từ đồng nghĩa, đồng thời kết hợp với đảo ngược trật tự các câu từ với nhau. 

Bên cạnh đó, thí sinh có thể cân nhắc kết hợp sử dụng một số cụm từ mở đầu để dẫn dắt vào chủ đề như sau:

  • It is generally/widely believed/accepted that …
  • It is quite clear/apparent that …
  • It is often said that …
  • It is common nowadays for … to …
  • There is a public debate that …
  • It goes without saying that …
  • There is an ever-increasing/ever-growing number of …
  • Recently the phenomenon has aroused wide/ much concern …
  • Recently the problem/issue has been brought into focus…

Đồng thời, câu giới thiệu chủ đề là câu đầu tiên mà ban giám khảo đọc nên nếu nó ấn tượng thì để lại dấu ấn hơn. Vì vậy, dưới đây là một số cách để thu hút sự chú ý:

Dùng câu hỏi để mở đầu

Một câu hỏi luôn sẽ gợi lên cảm giác làm người đọc muốn tự mình trả lời, đặc biệt là đối với những câu hỏi không phải ai cũng có khả năng giải đáp được. Chính những lúc này người đọc sẽ muốn tiếp tục đọc để tự tìm câu trả lời cho chính mình. 

Dùng câu dẫn của người nổi tiếng

Con người thường sẽ có xu hướng đề cao những ý kiến quan điểm của những người có thành công nhất định và xem đó là đúng đắn. Vì vậy, việc đưa ra một câu dẫn của nhân vật nổi tiếng sẽ giúp thí sinh gây ấn tượng, tạo cơ sở cho bài viết và khiến người đọc cảm thấy tin tưởng. 

Dùng những thông tin, con số gây ngạc nhiên

Tương tự như việc đặt câu hỏi đầu bài, một điều gì đó người đọc không biết hoặc điều gì đó đi ngược lại những gì họ từng nghĩ thì sẽ tạo nên ấn tượng mạnh mẽ. Càng bất ngờ, càng ngạc nhiên, người đọc sẽ càng chú ý và muốn tìm câu trả lời, khám phá bài viết sâu hơn.

Dùng ví dụ hoặc một câu chuyện

Tương tự như các cách trên, việc đưa ra ví dụ hay câu chuyện giúp người đọc dễ liên tưởng, dễ nhớ, dễ hiểu hơn.

Các cách trên là một số hướng giúp thí sinh gây ấn tượng từ đầu ở phần mở bài. Tuy nhiên, việc này là không bắt buộc do không phải lúc nào thí sinh cũng có thể liên tưởng đến câu nói, câu chuyện hay một số thông tin bổ sung. Đồng thời, thời gian dành cho phần mở bài khá hạn chế trong khi còn rất nhiều nội dung khác quan trọng hơn cần triển khai nên thí sinh có thể cân nhắc thêm thắt những điều này khi thời gian, khả năng cho phép và đã đáp ứng được những yêu cầu khác của phần mở bài cần có đó là giới thiệu chủ đề, tuyên bố luận điểm và giới thiệu cấu trúc. 

Bước 3: Tuyên bố luận điểm

Sau khi đã dẫn dắt người đọc vào chủ đề chính, hãy dành câu tiếp theo để tuyên bố luận điểm, cho thấy quan điểm cá nhân về vấn đề được đề cập. Đây là câu quan trọng nhất cần phải có của một phần mở bài, cho người đọc hiểu ý kiến của thí sinh cũng như nội dung chính của toàn bài như thế nào và giúp thí sinh bám sát, phát triển ý ở các phần sau.

Để viết được câu tuyên bố luận điểm, thí sinh cần xác định được dạng bài do ở mỗi dạng đề sẽ có cách viết câu luận điểm khác nhau:

  • Agree or disagree essay: yêu cầu thí sinh bộc lộ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình.
  • Discuss both views and give your opinion: yêu cầu thí sinh bàn luận cả 2 ý kiến rồi đưa ra luận điểm ủng hộ ý kiến nào hơn.
  • 2 questions: yêu cầu thí sinh bàn luận về causes & effects hoặc causes & solutions.

Dạng bài cụ thể: 

Agree or disagree essay

Với dạng đề này, yêu cầu đề bài thường ở các dạng câu hỏi:

  • To what extent do you agree or disagree?
  • What is your opinion on this?

Câu luận điểm ở dạng đề này sẽ trả lời trực tiếp câu hỏi của đề bài – hoàn toàn đồng ý hoặc không đồng ý hoặc trung lập.

Cụ thể hơn, một số cụm từ để trả lời đề này:

  • Hoàn toàn đồng ý: I strongly agree that/ Personally, I agree that…
  • Hoàn toàn không đồng ý: I strongly disagree that/ Many people argue that…However I believe that…
  • Trung lập: I partly agree…/To a certain extent I agree that…However, I also believe that…

Discuss both views and give opinion

Khác với đề bài agree/disagree essay, một bài discursive essay yêu cầu thí sinh cần thảo luận vấn đề đưa ra dưới nhiều góc độ, nhiều chiều khác nhau. Rồi từ đó, thí sinh cần đưa ra ý kiến cá nhân như thế nào.

Với đề bài này, yêu cầu thường ở các dạng câu hỏi sau:

  • Discuss both sides
  • Discuss these two views and give your opinion

Tương tự, thí sinh cũng cần viết câu luận điểm trả lời trực tiếp câu hỏi đề bài. Ở đây, thí sinh có thể chọn theo 2 hướng nêu luận điểm trong mở bài:

  • Nêu quan điểm cá nhân: thí sinh đề cập luôn ý kiến ủng hộ/không ủng hộ với quan điểm ( I personally agree/disagree with…)
  • Không nêu quan điểm: thí sinh chỉ nêu ra việc sẽ bàn luận ở cả 2 quan điểm (This essay will examine both views…)

Câu hỏi thường gặp sẽ là:

  • What are the causes/effects?
  • How should we deal with the problem?

Thí sinh cũng cần trả lời trực tiếp với câu hỏi nhưng lưu ý phần tuyên bố luận điểm này chỉ nên gói gọn trong 1 câu. Do vậy, thí sinh nên kết hợp ý cả 2 câu hỏi để ý súc tích hơn bằng cách sử dụng các cấu trúc thể hiện sự tương phản như Although/Though/In spite of/ While/…

Bước 4: Giới thiệu cấu trúc bài luận

Đây là phần cuối cùng trong phần mở bài thể hiện những ý chính mà muốn trình bày trong phần thân bài là gì. Phần này cũng chỉ cần gói gọn trong 1 câu là đủ. Sự đơn giản, rõ ràng ở phần này sẽ khiến ban giám khảo đánh giá cao khả năng logic và mạch tư duy của thí sinh. 

Tương tự cũng tùy dạng đề bài mà cấu trúc bài luận cũng có sự khác biệt:

  • Agree/Disagree essay: các ý chính sẽ hỗ trợ và chứng minh cho luận điểm đồng tình/không đồng tình của thí sinh.
  • Discussion both views and give opinion: mỗi đoạn nội dung sẽ tương xứng với một quan điểm cần bàn luận.
  • Problems and effects/solutions: nội dung đầu sẽ thường bàn luận về vấn đề và ảnh hưởng của nó, sau đó giải pháp giải quyết sẽ là nội dung tiếp theo

Ở đây, thí sinh có thể sử dụng các linking words (từ nối) để diễn đạt trình tự nội dung bài làm, ví dụ như Firstly/Secondly, This first discuss…then followed by,…

Bước 5: Kiểm tra và chỉnh sửa

Như vậy, sau khi đã đưa ra đầy đủ các nội dung cần thiết cho phần mở bài thì bước cuối cùng, thí sinh cần kiểm tra lại xem tất cả nội dung có thực sự liên kết hay chưa, văn phong có sự phù hợp hay không, độ dài đã hợp lý chưa, có lỗi chính tả nào không. Đảm bảo được tất cả những tiêu chí này, thí sinh có thể tin tưởng mở bài đã trọn vẹn và đủ ghi điểm trong mắt ban giám khảo. 

Mở đầu quá chung

Hầu hết các bài luận hiện nay thường bắt đầu với những cụm “Nowadays,…”, “In modern life…” và theo sau đó là những câu dẫn dắt rất chung, không nêu bật được vấn đề, chủ đề và hướng giải quyết mình đang nói tới. Vấn đề này thường xuất phát từ việc thí sinh không xác định được vấn đề mà đề bài đưa ra và cách bài luận sẽ triển khai, giải quyết như thế nào. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý phân tích đề bài kỹ và tập trung trả lời câu hỏi của đề bài thay vì đưa những thông tin không cần thiết vào.

Không tuyên bố luận điểm

Có thể nói câu luận điểm là ý quan trọng nhất trong mở bài vì nó thể hiện được quan điểm, hướng giải quyết của thí sinh đối với đề bài. Câu luận điểm cũng đồng thời thể hiện cho ban giám khảo rằng thí sinh hiểu được vấn đề và có khả năng dẫn đến một bài luận rõ ràng, mạch lạc. Cho nên, thiếu luận điểm ở mở bài sẽ khiến thí sinh mất điểm và bài làm thiếu trọng tâm.

Mở bài khoa trương

Bài luận với phần mở đầu ấn tượng sẽ ghi điểm mạnh mẽ với ban giám khảo, tuy nhiên điều này chỉ nên giữ ở mức chừng mực và không quá bắt buộc. Trong nhiều trường hợp, thí sinh cố gắng thêm thắt nhiều câu mở đầu khoa trương, gây sốc hay sử dụng nhiều những cụm từ thay thế, chuyển ngữ, bổ ngữ, ẩn dụ không cần thiết. Việc sử dụng những cách này là hoàn toàn khuyến khích nhưng nên được kiềm chế hoặc nó sẽ dẫn đến việc mở bài của thí sinh quá dài, lan man, sáo rỗng và không đúng trọng tâm. Viết tập trung, rõ ràng, giữ 1 câu mở đầu đủ ấn tượng vì đôi khi sự đơn giản lại mang đến một mở bài hiệu quả và ghi dấu ấn hơn.

Sử dụng văn phong suồng sã, không trang trọng

IELTS Writing Task 2 là phần thi yêu cầu thí sinh bàn luận về những vấn đề đời sống, xã hội cũng như đưa ra quan điểm, phương hướng giải quyết. Do tính chất nghiêm túc của phần thi nên sự trang trọng, lịch sự, chỉn chu trong ngôn từ và cách trình bày là yêu cầu bắt buộc đối với thí sinh khi làm bài. 

Tổng kết

Để có một bài viết hoàn chỉnh và thuyết phục, bên cạnh phần mở bài, thí sinh cần chú trọng cả phần thân bài và kết bài. Tham khảo bài viết dưới đây để nắm rõ các bước và phương pháp viết hiệu quả, giúp bài viết được đánh giá cao hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *