SKIMMING AND SCANNING IN IELTS READING
Skimming and Scanning là gì?
Skimming là kỹ năng đọc lướt nhanh chóng, để tìm nội dung chính. | Scanning là kỹ năng đọc lướt nhanh chóng, để tìm chi tiết cụ thể, mà không cần hiểu nội dung bài đọc. |
→ Cả hai kỹ năng đọc này không đi sâu vào chi tiết của nội dung, do đó tốc độ đọc được đẩy nhanh. Tuy nhiên, sự khác biệt đầu tiên và lớn nhất giữa hai kỹ năng đọc này là mục đích thu thập thông tin sau khi đọc. |
Mục đích sử dụng của Skimming và Scanning
Hai kỹ thuật skimming và scanning giúp người đọc tăng tốc độ tìm kiếm thông tin trong bài, từ đó tiết kiệm thời gian đọc cũng như tăng hiệu quả đọc hiểu.
Khi đọc bài, người đọc thường có xu hướng tập trung vào từng câu, từng chữ có trong bài văn khiến thời gian đọc bài bị kéo dài. Tuy nhiên, đối với bài thi IELTS, thí sinh chỉ có 60 phút để trả lời 40 câu hỏi ở trong ba bài đọc, với mỗi bài đọc có độ dài từ 900 đến 1000 chữ. Do đó, việc kết hợp cả hai kỹ năng skimming và scanning là vô cùng cần thiết để có thể tiết kiệm thời gian, và đạt số điểm hiệu quả trong thời gian hạn chế của bài thi. Ngoài ra, việc thành thạo kỹ năng skimming giúp thí sinh nắm trước được nội dung bài đọc để dễ dàng khoanh vùng thông tin khi trả lời câu hỏi.
Các bước thực hiện của kỹ năng Skimming và Scanning
Các bước thực hiện kỹ năng Skimming: BƯỚC 1: Đọc tiêu đề chính và tiêu đề phụ của bài văn. BƯỚC 2: Đọc kỹ đoạn văn đầu (bởi đây là phần dẫn dắt của tác giả vào chủ đề chính). BƯỚC 3: Đọc câu mở đầu của từng đoạn và đọc lướt phần sau để lấy ý chính. | Các bước thực hiện kỹ năng Scanning: BƯỚC 1: Xác định và ghi nhớ thông tin cần tìm kiếm, dựa vào những từ khóa trong câu hỏi. BƯỚC 2: Phân loại từ khóa cần tìm thành từ khóa khó thay thế và từ khóa dễ thay thế (*). BƯỚC 3: Đọc lướt bài văn và tìm những từ khóa đó. |
Dựa vào các bước trên, người đọc có thể thấy sự khác nhau lớn nhất khi thực hiện 2 kỹ năng này, đó là cách đọc và thứ tự đọc. Cụ thể hơn, kỹ năng Skimming yêu cầu người đọc theo trình tự từ trên xuống dưới bài văn, còn với kỹ năng Scanning, người đọc có thể “nhảy cóc” từ phần câu hỏi trước để xác định thông tin cần tìm kiếm, sau đó quay lại đọc bài, mà không cần theo trình tự từ trên xuống.
Lưu ý (*): Cách phân loại các loại từ khóa như sau:
- Từ khóa khó thay thế: bao gồm các tên riêng, con số nổi bật, hầu như không bao giờ bị thay thế trong bài đọc → Ưu tiên sử dụng loại từ khóa này để tìm kiếm thông tin.
- Từ khóa dễ thay thế: bao gồm các danh từ và có thể bị thay thế bằng cách diễn đạt khác trong bài đọc → Sử dụng loại từ khóa này để tìm kiếm thông tin khi đề bài không chứa Từ khóa khó thay thế.
Các kỹ thuật cần thiết
Khi thực hiện Skimming, người đọc cần kết hợp thêm các kỹ thuật sau:
- Kỹ thuật nhóm từ: Các từ trong câu nên được nhóm lại thành các cụm theo chức năng, thành phần của câu như chủ ngữ, cụm động từ, tân ngữ. Điều này không chỉ giúp cải thiện kĩ năng đọc hiểu mà còn giúp người học đọc lướt được nhanh hơn.
- Kỹ thuật liên kết câu trong đoạn văn: mỗi đoạn văn thường chứa câu chủ đề (topic sentence): nêu lên nội dung chính của đoạn; câu chủ đề phụ (sub-topic sentence): đưa ý nhỏ hơn nội dung chính; câu phát triển (supporting sentence): bổ sung ý nghĩa cho câu chủ đề hay câu chủ đề phụ. (*)
Khi thực hiện Scanning, người đọc cần kết hợp thêm kỹ thuật di chuyển mắt. Đây là một kỹ thuật rất cần thiết cho Scanning vì nó giúp người đọc chỉ tập trung duy nhất vào việc tìm từ mà không cố đọc hiểu nội dung bài đọc, từ đó tiết kiệm được thời gian làm bài.
- Cụ thể, hướng đi của mắt như sau: Đọc bắt đầu từ cuối lên đối với đoạn văn chứa thông tin đã khoanh vùng, và theo trình từ từ phải qua trái (cùng lúc hãy dùng một chiếc bút để lướt theo, giúp tập trung sự chú ý của mắt theo chuyển động của bút). Lý do cho việc cần áp dụng kỹ năng chuyển động mắt này là vì: Khi đọc từ trên xuống dưới và từ trái qua phải, thí sinh sẽ dễ bị cuốn vào việc đọc hiểu văn bản và khiến cho việc tìm kiếm từ khóa lâu hơn. Di chuyển mắt theo hướng ngược lại – dưới lên trên, phải qua trái – sẽ tránh việc người đọc tốn nhiều thời gian cho việc đọc hiểu hơn là việc tìm kiếm thông tin cần thiết một cách nhanh chóng. (**)
Thông qua bài viết trên, người đọc có thể nắm rõ được sự khác nhau giữa hai kỹ năng Skimming và Scanning, từ đó có thể áp dụng những kỹ năng này trong phần IELTS Reading để nâng điểm IELTS mong muốn trong quá trình tự học và rèn luyện.